Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR), tình hình xử lý các vướng mắc giữa MAUR và nhà thầu Hitachi cơ bản đã có giải pháp được đồng thuận giữa chủ đầu tư và nhà thầu.
Cụ thể, chủ đầu tư đã có giải pháp thanh toán tạm các chi phí do nhà thầu đề nghị đối với việc sử dụng thiết bị của nhà thầu Hitachi cho công tác đào tạo nhân sự vận hành và giai đoạn vận hành thử (80% giá trị chi phí được tư vấn đánh giá là phù hợp). Chi phí sau cùng và quyền được hưởng chi phí đó sẽ do Ban xử lý tranh chấp (DAB) hoặc Trọng tài thương mại quyết định.
Dự án có tổng mức đầu tư (sau điều chỉnh) là 43.700 tỷ đồng (ảnh: Duy Anh).
Hiện nay nhà thầu Hitachi đã phối hợp các bên liên quan bàn giao các đoàn tàu và thiết bị để phục vụ cho công tác đào tạo nhân sự vận hành trên chính tuyến của công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TPHCM từ ngày 15/8. Tiếp đó là giai đoạn vận hành khai thác thử (Trial-Run) đồng thời phục vụ công tác đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống nhằm hoàn thành dự án vào cuối 2024.
Đối với đề nghị thành lập Ban xử lý tranh chấp (DAB) của nhà thầu Hitachi, hiện Ban đang rà soát và củng cố pháp lý, tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế về cơ chế hoạt động, thẩm quyền quyết định kết quả giải quyết, cơ chế chi phí và các vấn đề khác có liên quan đối với việc thành lập Ban xử lý tranh chấp (DAB)
Ban Quản lý Đường sắt đô thị cho biết, về cơ bản những nội dung liên quan đến việc xử lý vướng mắc của dự án đã được chủ đầu tư nỗ lực phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện phương án giải quyết trên tinh thần hài hòa, hữu hảo, phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định pháp luật Việt Nam nhằm quyết tâm đảm bảo tiến độ dự án.
Vào ngày 6/4/2023, nhà thầu Hitachi đã khởi kiện chủ đầu tư tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) với yêu cầu gia hạn thời gian hoàn thành ít nhất 2.773 ngày và chi phí bồi thường khoảng 527 tỷ đồng. Phía Hitachi đã yêu cầu các chi phí phát sinh cho việc gia hạn thời gian hoàn thành khoản phí nhà thầu đệ trình vào khoảng 23,721 tỷ yen (tương đương gần 4.000 tỷ đồng).