World Cup 1990 không phải giải đấu tuyệt nhất xét trên khía cạnh chuyên môn. Nó quá ít bàn thắng, khi chiến thuật thực dụng đẩy lùi bóng đá vị nghệ thuật. Tuy nhiên mùa hè Italia sẽ mãi được nhớ đến bởi những khoảnh khắc lãng mạn và cảm xúc thăng hoa.
Đó là pha lắc hông của Roger Milla ở tuổi 38, vì đất nước Cameroon của anh và vì châu Phi; là màn nhảy salsa trước hàng thủ Tiệp Khắc của Roberto Baggio; kiệt tác của Dragan Stojkovic vào lưới Tây Ban Nha; là những giọt nước mắt của Paul Gascoigne và giai điệu bất hủ Un’estate Italiana… Thế nhưng vượt lên trên tất cả, màn ăn mừng của Salvatore Schillaci và câu chuyện đằng sau mới trở thành biểu tượng trường tồn, không chỉ World Cup 1990 mà cả lịch sử bóng đá.
Sinh ra trong cảnh nghèo khó ở khu ổ chuột Palermo, chưa bao giờ được đến trường, khởi nghiệp ở đội bóng nghiệp dư của một công ty xe bus, chỉ bắt đầu hít thở bầu không khí Serie A ở tuổi 24, sau đó ra mắt ĐT Italia khi 25 tuổi và có mặt ở World Cup 1990 với tư cách nhân vật phụ, ấy vậy mà Schillaci đã chiếm lĩnh sân khấu và buộc cả thế giới khắc ghi tên mình.
Schillaci đã nắm bắt cơ hội để thay đổi số phận, trở thành siêu sao toàn cầu chỉ trong vài tuần ngắn ngủi ở mùa hè Italia 1990.
Trước thềm World Cup 1990, nhờ mùa giải ấn tượng trong màu áo Juventus, Schillaci được HLV Azeglio Vicini điền tên vào danh sách tuyển Italia. Bản thân tiền đạo người Palermo cũng xác định tới giải đấu chỉ để góp mặt cho đủ số, nhưng ngay cả như thế, ngày đầu đến trung tâm huấn luyện tại Florence giống như một sự nhắc nhở, rằng việc anh có mặt ở đây không được chào đón.
Thời điểm ấy người hâm mộ Florence đang phẫn nộ vì Juventus cuỗm mất Roberto Baggio khỏi Fiorentina. Tình cờ Schillaci lại là cầu thủ Juve. Khi anh lái xe tới, đám đông lập tức bủa vây, đá vào thân xe và khạc nhổ lên cửa kính. Cuối cùng chỉ nỗ lực của cảnh sát mới có thể giải thoát Schillaci.
Khoảnh khắc thay đổi số mệnh Schillaci đến vào ngày 10/6/1990, cũng là trận ra quân của ĐT Italia. Hôm ấy tại Olimpico (Rome), Azzurri vật lộn trước Áo và Vicini nhìn về băng ghế dự bị, nơi Schillaci đang ngồi. Như anh kể lại, được ngồi dự bị là cả một hạnh phúc bởi trước đó, anh nghĩ rằng mình còn không có trong danh sách đăng ký và phải xem trận đấu trên khán đài.
“Khi Vicini nói tôi ra khởi động, tôi không tin vào tai mình, phải hỏi lại, có thật là ông bảo tôi không. Ngồi cạnh tôi là thủ môn Stefano Tacconi. Anh ấy khích lệ tôi, rằng hãy tiến lên và ghi bàn bằng đầu như John Charles (huyền thoại Juve cuối thập niên 1950) ấy”, Schillaci nhớ lại.
Ai dè Schillaci đã làm đúng như thế. Chỉ 3 phút sau khi vào sân, anh đánh đầu ghi bàn ở phút 79 sau quả tạt của Gianluca Vialli. Schillaci phấn khích đến mức chạy như chưa bao giờ được chạy, dang rộng hai tay với đôi mắt mở to như muốn lồi khỏi hốc mắt, đắm chìm trong niềm vui sướng vô tận.
Dù Schillaci trở thành người hùng, nhưng Vicini không bị cám dỗ cho anh đá chính ở trận sau. Phải đợi đến trận thứ ba gặp Tiệp Khắc, trước sức ép dư luận, ông mới miễn cưỡng làm việc đó. Nhờ đó, Italia giành chiến thắng 2-0 với hai bàn được ghi bởi Schillaci và Baggio, đưa đất nước hình chiếc ủng vào cơn mê sảng như tiêu đề của tờ Gazzetta Dello Sport.
Khoảnh khắc ăn mừng với đôi mắt hoang dại của Schillaci.
Sau này người hâm mộ liên tục yêu cầu ông tái hiện đôi mắt đầy cảm xúc ấy.
Đến lúc này, Schillaci thực sự trở thành một siêu sao. Anh ghi một bàn và kiến tạo một bàn khác trong trận thắng Uruguay 2-0 ở vòng 1/8, tiếp tục nổ súng để Italia vượt qua CH Ireland 1-0 ở tứ kết. Phong độ đỉnh cao của Schillaci được nối dài ở trận bán kết với Argentina. Thật không may, dù anh ghi bàn từ phút 17 nhưng đội bóng của Diego Maradona đã gỡ hòa sau đó 50 phút, rồi đánh bại người Italia ở loạt luân lưu.
Trận tranh giải ba với Anh, Schillaci có bàn thứ 6 để đoạt danh hiệu Vua phá lưới. Nó được ghi trên chấm phạt đền, sau khi Baggio nhường anh sút phạt. Cử chỉ hào phóng của Tóc đuôi ngựa thần thánh cũng chỉ ra rằng Schillaci rất được các đồng đội yêu mến. Và khi World Cup 1990 khép lại, anh cũng được cả thế giới yêu mến. Tên ông trở nên quen thuộc với bất kỳ ai, kể cả những người không biết nhiều về nước Italia. Biệt danh Toto của ông cũng được đặt cho trẻ em và thú cưng, như chú ngựa đua Toto vô địch ở tận nước Australia xa xôi.
Schillaci và Baggio, hai nhân vật chính của chủ nhà Italia trong kỳ World Cup 1990.
Sự nghiệp của Schillaci đã không cất cánh sau World Cup. Ông chỉ ghi thêm 1 bàn cho Italia và không còn khoác áo đội tuyển sau năm 1991. Người về nhì ở giải thưởng Quả bóng Vàng 1990 cũng trải qua vài năm mờ nhạt ở Juve và Inter, sau đó phiêu lưu tới Nhật, chơi cho Jubilo Iwata rồi giải nghệ năm 1997.
Nhưng bất chấp điều đó, Schillaci không bao giờ bị lãng quên. Ông được nhận ra ở khắp mọi nơi, thậm chí nhiều người hâm mộ phát khóc vì gặp Toto bằng xương bằng thịt. “Hình ảnh ăn sâu vào tâm trí mọi người là đôi mắt hoang dại lúc ăn mừng bàn thắng của tôi”, Schillaci thích thú kể, “Ai cũng muốn tôi tái hiện đôi mắt ấy, và tôi lặp lại rất, rất nhiều lần”.
Với một cầu thủ, đôi khi chỉ cần một phút huy hoàng để được nhớ mãi, không nhất thiết phải ngự trị đỉnh cao trong nhiều năm. Trong thế giới bóng đá, chỉ Schillaci làm được như vậy. Một trường hợp độc nhất vô nhị để trở thành bất tử.