Thay đổi theo thói quen tiêu dùng
Từ sau đại dịch COVID-19 đến nay, chị Nguyễn Thị Hoa (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) có thói quen mua hàng hóa, thực phẩm ở siêu thị hơn là ở chợ vỉa hè. Lý do là siêu thị có nhiều chương trình khuyến mãi, sản phẩm lại đảm bảo chất lượng hơn.
“Trước đây tôi ít đi siêu thị vì nghĩ rằng giá cả đắt hơn, nhưng bây giờ so sánh giá cả thì mình thấy rẻ hơn rất nhiều. Mua sắm còn được tích điểm thưởng, tặng quà; hàng hóa lại có nguồn gốc xuất xứ nên càng yên tâm. Đặc biệt mua hàng được giao tận nơi miễn phí” – chị Hoa vui vẻ nói.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Đối ngoại Aeon Việt Nam cho biết, trong năm 2024, Aeon có sự tăng trưởng về nhu cầu tiêu dùng khách hàng so với năm 2023. Siêu thị cũng liên tục có những chương trình khuyến mãi giảm giá kích thích hàng mua sắm với đủ mặt hàng, đặc biệt là các hàng hoá do doanh nghiệp Việt sản xuất. Cụ thể như chương trình “Mỗi ngày giá tốt” khoảng 200 mặt hàng/tháng; kết hợp với nhà sản xuất làm nhãn hàng riêng vừa nâng chuẩn sản phẩm, vừa giúp người tiêu dùng mua hàng giá tốt hơn nhờ cắt giảm chi phí quảng cáo, khâu trung gian…
“Xu hướng tiêu dùng của khách hàng có sự thay đổi đáng kể, chú trọng hơn tới các sản phẩm organic và sản phẩm thiên về sức khỏe. Trước thực tế này, Aeon cũng bày bán nhiều hơn các sản phẩm phù hợp hành vi tiêu dùng của khách hàng” – bà Huệ nói.
Dù đã triển khai nhiều chương trình kích cầu mua sắm nhưng hiện sức mua còn thấp. Ảnh: Uyên Phương
Bà Huỳnh Bích Thủy, Giám đốc phòng giao dịch nhà cung cấp Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) nhìn nhận, hiện nay người dân có xu hướng mua sắm theo hướng thắt chặt chi tiêu và đa số tập trung mua sắm ở mặt hàng thực phẩm thiết yếu; hàng tươi sống... còn những mặt hàng phi thực phẩm (non-food) đang tiêu thụ chậm dần.
Nhằm để kích cầu tiêu dùng, Saigon Co.op đẩy mạnh các hoạt động đưa hàng bình ổn giá về các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực có đông người lao động... Những chuyến hàng do các doanh nghiệp Việt sản xuất này chuyên phục vụ các mặt hàng thiết yếu, nhiều mặt hàng phi thực phẩm cũng được áp dụng giảm giá sâu nhưng vẫn giữ nguyên chất lượng sản phẩm để giữ chân khách hàng.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc đối ngoại miền Trung, miền Nam Central Retail Việt Nam cũng cho rằng, sau dịch, thói quen tiêu dùng của người dân có sự thay đổi. Để kích cầu tiêu dùng, các hệ thống siêu thị của Central Retail tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn phù hợp với xu thế tiêu dùng mới, giảm tối đa 50% giá trị sản phẩm, nhưng người dân vẫn tiếp cận được nhiều mặt hàng chất lượng.
Đề nghị chính sách hỗ trợ tăng tiêu thụ hàng Việt
Chiều 13/8, tại TPHCM, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với một số hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hệ thống phân phối lớn ở khu vực phía Nam để lắng nghe các đề xuất, giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo dự thảo đề án “Kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước” (do Bộ Công Thương làm đầu mối soạn thảo), 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ và dịch vụ đạt 3.098.692 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này thấp hơn so với mục tiêu của ngành Công thương đặt ra trong năm 2024 và thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu tại chiến lược thương mại trong nước.
Tại buổi làm việc, ông Hà Ngọc Sơn – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty thương mại Sài Gòn (SATRA) đề xuất, trong lúc thị trường biến động, chính sách của Trung ương nên có độ trễ để doanh nghiệp kịp thích ứng. Ví dụ giá thuê mặt bằng (chính sách về giá đất) làm tăng giá ảnh hưởng đến phí thuê nhà của doanh nghiệp bán lẻ. Đề xuất công khai các doanh nghiệp logictis trên trang thông tin của bộ để các doanh nghiệp bán lẻ tự kết nối.
Nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất Bộ Công Thương có các chính sách kích thích hàng tiêu dùng trong nước do các doanh nghiệp Việt sản xuất, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước nhiều hơn, có giải pháp tăng cường ngăn chặn hàng giả hàng nhái…
Dưới góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó phòng Quản lý Thương mại TPHCM cho biết, thành phố đang triển khai chương trình khuyến mãi tập trung (Shopping Season) kéo dài 3 tháng. Trong thời gian đó sẽ có những chương trình trọng điểm để kích cầu mua sắm, tiêu dùng.
Cụ thể, ngay từ đầu tháng 8/2024, Sở Công Thương phát động chuỗi hoạt động bán hàng bình ổn giá, lưu động phục vụ người dân có thu nhập thấp, công nhân lao động. Chương trình kéo dài đến tháng 9/2024 với 15 điểm bán tại nhiều quận huyện, khu công nghiệp ở TPHCM. Sắp tới sẽ có chuỗi khuyến mãi hàng hiệu, khuyến mãi phục vụ nhiều đối tượng khách hàng với thời gian dài. “Ngành công thương và các doanh nghiệp tập trung giảm giá tối đa cho người tiêu dùng, nhưng kiên quyết không đánh đổi chất lượng để có giá tốt” - ông Hùng khẳng định.
Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, thời gian qua, Bộ Công Thương thường xuyên phối hợp với Sở Công thương các địa phương tích cực tổ chức các chương trình bình ổn thị trường, các chương trình bán hàng hóa phục vụ các dịp lễ, Tết; kêu gọi các doanh nghiệp phân phối lớn, các hợp tác xã, chợ đầu mối căn cứ tình hình hoạt động và nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp, xây dựng chương trình hỗ trợ thu mua, chế biến, để tiêu thụ các mặt hàng thế mạnh của các địa phương.
Thông qua những hoạt động này, các sản phẩm của Việt Nam (nông sản, thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng...) có thể bán trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất đến thị trường tiêu dùng trong nước cũng như tham gia vào chuỗi phân phối của các doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường nội địa cũng như thị trường nước ngoài.
Theo ông Chinh, một yếu tố mà các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng phải quan tâm để kích cầu nội địa, đó là khâu logistics, đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
“Lấy thị trường trong nước, thông qua các doanh nghiệp, hiệp hội, nhà bán buôn bán lẻ để định hướng cho sản xuất trong nước. Đồng thời xác định khâu phân phối lưu thông, logistics là quan trọng để kết nối nhà sản xuất với nhà bán lẻ và đưa hàng hóa đến người tiêu dùng. Khâu này quan trọng, chiếm tỉ lệ, chi phí rất cao trong hoạt động phân phối”, ông Chinh cho biết.
Giải pháp trước mắt, cấp bách là nghiên cứu, đề xuất các chương trình phát voucher mua hàng; giảm giá để xả hàng tồn kho; chương trình bán hàng bình ổn giá; chương trình hàng Tết... Cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất các chương trình tín dụng, cho vay tiêu dùng với lãi suất thấp, ưu đãi.
Về dài hạn, cần hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về phát triển thương mại trong nước (các chính sách tập trung vào giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân); Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng bán lẻ, khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ logistics, vận chuyển và bảo quản, dịch vụ thanh toán; Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam; Đa dạng hóa các chủ thể kinh tế và loại hình doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường bán lẻ; Tăng cường quản lý nhà nước và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng…