Trước đó, tại Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 18/2/2021, Thủ tướng giao EVN làm chủ đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Quảng Trạch II công suất 1.200MW với tổng mức đầu tư hơn 48.000 tỷ đồng tại thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, thuộc Khu kinh tế Hòn La, tỉnh Quảng Bình.
Khu vực xây dựng NMNĐ LNG Quảng Trạch II nằm cạnh NMNĐ Quảng Trạch I hiện đang gấp rút xây dựng.
Việc đầu tư 2 NMNĐ Quảng Trạch 1 và Quảng Trạch 2 đều dùng nguyên liệu than đá tại khu vực vịnh Hòn La từng khiến người dân sở tại, báo chí và dư luận nghi ngại về ô nhiễm môi trường. Một thời gian dài, nơi đây là điểm nóng về an ninh trật tự liên quan đến 2 NMNĐ.
Trước yêu cầu bảo vệ môi trường của địa phương, tỉnh Quảng Bình đã đề xuất điều chỉnh và được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định 500/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch điện VIII, cho phép chuyển đổi từ than sang khí đối với Dự án NMNĐ Quảng Trạch II vào ngày 15/5/2023.
Theo quyết định điều chỉnh, dự án thay đổi tên gọi từ NMNĐ Quảng Trạch II sang NMNĐ LNG Quảng Trạch II, nâng công suất từ 1.200MW lên 1.500MW, nguồn vốn từ hơn 48.000 tỷ đồng lên hơn 52.000 tỷ đồng (tương đương hơn 2,1 tỷ USD), thay đổi công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống sang công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp.
Dự án NMNĐ LNG Quảng Trạch II gồm 2 tổ máy, mỗi tổ máy công suất 750MW dự kiến khởi công vào quý III/2025, phát điện tổ máy số 1 vào quý IV/2028 và phát điện tổ máy số 2 vào quý I/2029; hoàn thành toàn dự án năm 2030.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Phong Phú trao quyết định điều chỉnh dự án cho đại diện lãnh đạo EVN.
Phát biểu tại buổi lễ trao quyết định, ông Phan Văn Thường - Trưởng Ban quản lí Khu kinh tế Quảng Bình - cho biết: Việc chuyển đổi NMNĐ Quảng Trạch II từ điện than sang điện khí nhằm hạn chế phát thải các chất độc hại ra môi trường là hết sức cần thiết, góp phần thực hiện chủ trương phát triển nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.
Theo lãnh đạo Ban quản lý Dự án điện II, điện khí LNG có ưu điểm linh hoạt, có thể thay đổi khi cần. Bên cạnh đó, lượng phát thải carbon ít hơn một nửa so với điện than, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường. Điện khí LNG có khả năng đạt hơn 90% hệ số công suất khi cần thiết, không gặp phải tình trạng gián đoạn và phụ thuộc vào thiên nhiên như điện gió hay điện mặt trời.