Lũ miền Bắc liên tiếp lập kỷ lục

Lũ miền Bắc liên tiếp lập kỷ lục

Giảm thượng du, lo lũ lớn hạ du

Số liệu đo thực tính đến 17 giờ chiều qua (10/9) trên sông Thao tại Yên Bái là 35,73m, cao hơn mức lũ lịch sử năm 1968 là 1,31m, đồng thời là mức lũ lịch sử cao nhất từ khi có dữ liệu quan trắc ở khu vực này. Cũng trên sông Thao tại Bảo Hà sáng qua, mực nước lũ lên tới 61,81m, bỏ xa kỷ lục được thiết lập vào năm 2008. Sông Cầu nước dâng lên 28,81m trong sáng qua, cũng phá vỡ kỷ lục lịch sử được thiết lập vào 65 năm trước.

Trên các dòng sông khác, ngày và đêm qua, lũ tiếp tục lên và giữ mức nước rất cao, nhiều sông vượt mức báo động 3 trong chiều qua như sông Lô, sông Thương, sông Cầu, sông Đáy, sông Hoàng Long.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hôm nay, lũ trên các sông ở khu vực thượng lưu có dấu hiệu xuống nhưng vẫn giữ ở mức rất cao, trong khi đó lũ khu vực hạ du lại có dấu hiệu tăng nhanh.

Đáng lưu ý, mức nước trên sông Hồng tại Hà Nội lên rất nhanh trong ngày hôm qua và tiệm cận tới mức báo động 2. Lúc 17 chiều qua, nước sông Hồng ở Hà Nội lên tới 10,1, chỉ còn kém mức báo động 2 khoảng 40cm. Đây là mức lũ rất cao trên sông Hồng trong nhiều năm qua. Từ trưa qua, khi lũ lên mức 9,5m, Hà Nội đã ban bố lệnh báo động 1 trên sông Hồng tại địa phận các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm. Dự báo hôm nay, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên ở mức gần báo động 2.

Trên sông Thái Bình tại Phả Lại lúc 17 giờ chiều qua, nước sông lên 5,3m, ở mức báo động 2. Dự báo hôm nay, lũ trên sông Thái Bình có thể lên mức báo động 3. Lũ trên sông Thương, sông Hoàng Long cũng có khả năng đạt đỉnh trên mức báo động 3 trong hôm nay.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo, hôm nay mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình có khả năng lên mức báo động 3 và trên báo động 3, gây ngập lụt sâu tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính ở Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.

Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, lũ lớn có thể gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông ở Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình. Do nước lũ vẫn duy trì ở mức cao, các vùng trũng thấp ven sông tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình tiếp tục chìm trong nước lũ.

Hà Nội và nhiều tỉnh có thể ngập nặng

Diễn biến thời tiết trong hôm nay và ngày mai (11-12/9) vẫn bất lợi cho các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của một vùng xoáy thấp hình thành ngay trên đất liền nên mưa lớn tiếp diễn từ chiều tối và đêm qua ở miền Bắc, kéo dài đến chiều nay và còn tiếp tục đến ngày 12/9 ở khu vực đồng bằng.

Dự báo tổng lượng mưa khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hoà Bình, Thanh Hóa tính từ chiều tối 10/9 đến chiều 11/9 từ 50-120mm, cục bộ có nơi trên 250mm. Từ đêm 11/9 đến chiều 12/9, mưa từ 30-70mm, cục bộ có nơi trên 120mm.

Khu vực trung du, vùng núi Bắc Bộ dự báo tổng lượng mưa từ chiều 10/9 đến chiều 11/9 là 30-70mm, cục bộ có nơi trên 120mm; riêng Lào Cai, Yên Bái từ 50-100mm, cục bộ có nơi trên 200mm. Đêm 11/9, khu vực giảm mưa với lượng mưa phổ biến 20-40mm, có nơi trên 70mm.

Do mưa lớn kéo dài kết hợp với lũ dâng rất cao trên các dòng sông khiến khả năng thoát nước bị ảnh hưởng nên diễn biến ngập lụt trong 2-3 ngày tới ở các địa phương còn phức tạp, nhất là các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, gồm Hà Nội.


Mưa lớn tiếp tục trút xuống miền Bắc, nguy cơ lũ chồng lũ - 10/09/2024


Miền Bắc lũ vượt kỷ lục 65 năm qua - 10/09/2024


Lũ lịch sử kinh hoàng ở miền Bắc - 10/09/2024