Trong đó Tập đoàn TTC hỗ trợ 70% và Công ty Cổ phần Tập đoàn SUN Electronics hỗ trợ 30% tổng kinh phí.
Theo kế hoạch, SCDC sẽ được trang bị đầy đủ phần cứng và phần mềm đạt chuẩn quốc tế, nhằm cung cấp các chương trình phần mềm thiết kế của Synopsys đến các trường, viện thông qua mạng riêng ảo (VPN); tổ chức các khóa đào tạo (ToT) về thiết kế vi mạch cho giảng viên; tổ chức các khóa đào tạo cao cấp về thiết kế vi mạch…
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC đánh giá cao tầm quan trọng của việc thiết kế vi mạch. Theo ông Hồng Anh, SCDC sẽ kết nối với các công ty chế tạo chip để triển khai dịch vụ MPW (Multi Project Wafer) hỗ trợ các nhóm nghiên cứu, các doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp hội viên của Hội; cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ đóng gói và thử nghiệm vi mạch; triển khai các chương trình hợp tác để huy động nguồn lực quốc tế phục vụ mục tiêu phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam.
Trong thời gian tới, Tập đoàn TTC và các đơn vị hỗ trợ cam kết tiếp tục đồng hành cùng với SHTP trong việc tiếp tục khẩn trương hoàn thiện các cơ sở hạ tầng của SCDC trên cơ sở khai thác, huy động một cách sáng tạo các nguồn lực khác nhau để cung cấp các dịch vụ thiết thực, góp phần tích cực vào xây dựng nền móng của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và ngành điện tử Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Quản lý SHTP chia sẻ, sự đồng hành của các doanh nghiệp sẽ góp phần vào việc tận dụng các cơ hội đang mở ra cho Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và điện tử.
Ông Thi cũng kỳ vọng, với sự phát triển của SCDC, cùng với sự phát triển của ngành sản xuất điện tử (EMS) trong nước sẽ tạo tiền đề cho nền công nghiệp điện tử Việt Nam phát triển theo định hướng “Make in Viet Nam”, góp phần xây dựng một nền kinh tế tự chủ.