Hàng Việt xuất Mỹ tăng

Hàng Việt xuất Mỹ tăng

Ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital - cho biết, Việt Nam là một trong ba quốc gia trên thế giới có mối liên kết chặt chẽ nhất với Mỹ về mặt kinh tế, mức tiêu dùng mạnh mẽ của Mỹ đang thúc đẩy sự phục hồi của xuất khẩu, sản xuất và tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Theo ông Michael Kokalari, mối liên kết nêu trên để trả lời nhiều câu hỏi mà VinaCapital nhận được gần đây về chủ đề này, nhất là khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần và nền kinh tế Mỹ đang chậm lại, có thể sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất vào tháng 9.

Câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là kết quả cuộc bầu cử sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam, bất kể đảng nào giành chiến thắng vào tháng 11, vì chính sách của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa có nhiều điểm tương đồng hơn là khác biệt.

Về nền kinh tế Mỹ đang chậm lại, tiêu dùng tại Mỹ vẫn duy trì phục hồi rất tốt trong năm nay dù Fed đã tăng lãi suất kỷ lục, do động thái kinh tế “hình chữ K” tại Mỹ. Sự phục hồi này mang lại lợi ích không cân xứng cho Việt Nam, vì theo phân tích của OECD về “liên kết đầu vào và đầu ra giữa các quốc gia”, diễn biến kinh tế tại Mỹ ảnh hưởng đến Việt Nam nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, ngoại trừ Canada và Mexico.

Nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm “made in Vietnam” từ người tiêu dùng Mỹ đã thúc đẩy sự phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, từ mức giảm 21% trong 7 tháng đầu năm 2023 lên mức tăng 24% trong 7 tháng đầu năm nay, thúc đẩy hoạt động sản xuất lên mức 10%.

Sản xuất chiếm 1/4 nền kinh tế của Việt Nam, vì vậy sự phục hồi trong sản xuất có khả năng nâng tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 5,1% trong năm 2023 lên 6,5% trong năm nay.

Việt Nam đang tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng.

Theo VinaCapital, nền kinh tế Việt Nam đang được hỗ trợ bởi động lực kinh tế “hình chữ K” tại Mỹ trong năm nay. Fed đã tăng lãi suất tại Mỹ để hạ nhiệt lạm phát, nhưng thay vì hạ nhiệt nền kinh tế Mỹ, lãi suất cao hơn đã thúc đẩy chi tiêu gia tăng từ những người tiêu dùng giàu có tại Mỹ, được đại diện bởi phần trên của “chữ K” trong nền kinh tế “hình chữ K”. Những người tiêu dùng này hiện đang nhận được thu nhập đầu tư cao hơn từ khoản tiết kiệm của họ và đang chi tiêu số “thu nhập bất ngờ” này, gồm cả các sản phẩm “Made in Vietnam”.

“Chúng tôi cho rằng nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ đối với các sản phẩm “made in Vietnam” sẽ chững lại nhưng không giảm mạnh vào đầu năm 2025. Chúng tôi lạc quan rằng sự phục hồi trong lĩnh vực bất động sản của Việt Nam và đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP”, ông Michael Kokalari nói.

Ngoài ra, Việt Nam gần đây đã nâng mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay từ 6,5% lên 7%, cho thấy quyết tâm của các nhà hoạch định chính sách trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Hai đòn bẩy chính mà Chính phủ có thể sử dụng để đẩy nhanh tăng trưởng GDP trong ngắn hạn là tăng số lượng phê duyệt các dự án bất động sản mới tại Việt Nam và tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng.


Kinh tế số chiếm 18,3% GDP, doanh thu công nghệ thông tin tiến sát 2 triệu tỷ đồng - 10/07/2024


GDP tăng vọt, chứng khoán sẽ phản ứng ra sao? - 30/06/2024


GDP quý II tăng gần 7% - 29/06/2024


Dự báo mới nhất về tăng trưởng GDP năm nay - 27/06/2024