Tối muộn 6/9, Bộ Công Thương kiểm tra hoạt động dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại 2 siêu thị lớn tại Hà Nội là Winmart Royal City và và Big C Thăng Long trước khi siêu bão số 3 đổ bộ.
Tại siêu thị WinMart Royal City, đại diện siêu thị thông tin WinMart đã chủ động làm việc với nhà cung cấp qua đó dự trữ tăng thêm 30% các nhóm hàng thực phẩm tươi sống.Với hàng hóa là những sản phẩm thiết yếu, WinMart đã chủ động làm việc với nhà cung cấp và dự trữ tăng thêm 30% các nhóm hàng thực phẩm tươi sống; đảm bảo có đầy đủ hàng hóa và bình ổn giá phục vụ khách hàng.
Hàng hoá liên tục được các siêu thị bổ sung trước nhu cầu tăng vọt của người dân. Ảnh: Cấn Dũng.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long - cho biết đã tăng lượng hàng hoá lên 300%, trong đó tập trung vào các nhóm sản phẩm thiết yếu như rau củ quả, thịt cá…
“Tuy nhiên, từ sáng 6/9, lượng khách hàng đến với siêu thị tăng đột biến, gấp khoảng 20-30 lần ngày thường. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ 12h-15h chiều, lượng khách hàng đến siêu thị tăng cao, người mua hàng tập trung mua sắm các sản phẩm thiết yếu như rau, thịt, cá, trứng, rau củ quả…”, ông Nguyễn Minh Tuấn nói và cho biết chắc chắn không có tình trạng tăng giá dịp này, người dân không nên quá lo lắng.
Các siêu thị cho biết đảm bảo cung ứng liên tục, không để tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Ảnh: Cấn Dũng.
Bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong bất kỳ tình huống nào thì hệ thống siêu thị và chợ truyền thống luôn đảm bảo đủ nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân.
Công tác bình ổn giá cả cũng được Sở Công Thương yêu cầu các kênh phân phối nghiêm túc triển khai. Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội cũng liên tục vào cuộc kiểm tra việc cung ứng và giá cả hàng hoá nên không lo ngại việc găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - cho hay, Bộ đã chỉ đạo các Sở Công Thương các địa phương có ảnh hưởng của bão thực hiện các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống, đảm bảo không đứt gãy nguồn cung trong bất cứ tình huống nào.
Bộ Công Thương khuyến nghị người tiêu dùng không cần tích trữ quá nhiều hàng hoá. Ảnh: Cấn Dũng.
Quá trình kiểm tra, cộng với báo cáo nhanh của một số kênh phân phối lớn và Sở Công Thương một số địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão (như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn...) cho thấy, các mặt hàng được dự trữ là các hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, mỳ ăn liền, lương khô, nước uống đóng chai, xăng dầu và các mặt hàng khác có nhu cầu cao trong mùa bão lũ (tấm lợp, dây thép, đinh vít, thuốc trị bệnh…), đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân vùng thiên tai.
Trường hợp thiên tai kéo dài trên diện rộng, đã huy động hết nguồn hàng dự trữ tại địa phương nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, địa phương sẽ đề xuất hoặc huy động từ các nguồn, các đơn vị trong và ngoài tỉnh để bảo đảm ứng cứu kịp thời.
“Hàng hoá được doanh nghiệp các địa phương chuẩn bị đảm bảo phục vụ cho người tiêu dùng trước, trong và sau bão, do đó Bộ Công Thương khuyến cáo người dân không nên hoang mang, lo lắng đi mua, tích trữ quá nhiều hàng hoá so với nhu cầu trong vài ngày sắp tới” - ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.