Giám đốc lái xe đi… xin rác ở Hội An

Giám đốc lái xe đi… xin rác ở Hội An

Từ bình nước tre đến cuộc chiến chống rác nhựa

Frantz Pedersen đến Việt Nam từ năm 2015 với một mục đích rõ ràng: tìm nguồn nguyên liệu, cụ thể ở đây là tre để sản xuất bình nước. Ở Đan Mạch lúc đó Frantz có một công ty khởi nghiệp có tên “Not Just a Bottle” có nghĩa là “Hơn cả một chiếc chai”. Tham vọng của Frantz là sản xuất ra những chiếc chai không phương hại đến môi trường, và khi hết vòng đời, nó sẽ nhanh chóng tan vào đất, trở thành một chất hữu cơ thân thiện.

Hình ảnh quen thuộc của Frantz ở Hội An.

Không ngờ, chuyến đi đó đã gắn kết Frantz với Việt Nam. Anh quyết định lập công ty tại đây, ngay giữa vùng nguyên liệu. Mất hai năm rưỡi nghiên cứu và thử nghiệm, đến năm 2018, “Not Just Bamboo” ra đời (nó có nghĩa là: “Hơn cả tre”). Ngoài bình nước bằng tre được chứng nhận an toàn, công ty của Frantz còn sản xuất cả bàn chải đánh răng bằng tre. Không dừng ở đó, Frantz và “đồng bọn” cũng thử xử lý bã cà phê, rác thải giấy và các vật liệu phế thải khác. “Chúng tôi nghiên cứu cách kết hợp các loại rác thải trên cùng với rác thải từ tre để sản xuất ra các loại cốc”, anh chia sẻ.

Thêm ba năm nữa, một loại cốc “hoàn toàn thiên nhiên” của Frantz ra lò: nó được làm từ bã cà phê, rác thải tre, rác thải giấy kết hợp vật liệu sinh học có khả năng kết dính. Sản phẩm sau đó được đăng ký kiểm định và bán ở châu Âu từ đầu năm 2022.

Tháng 3/2022, Frantz quyết định chọn Hội An làm nơi dừng chân. Bước ngoặt để Frantz chuyển qua làm đồ tái chế từ rác là khi có người hỏi anh “có kinh nghiệm gì với đồ nhựa không”? Lúc đó Frantz trả lời: “Tôi không biết nhiều nhưng tôi có thể thử xem sao”. Và đó là khởi nguồn của Công ty hiện tại: “Not Just Plastic” (Không chỉ là nhựa) chuyên thu gom rác thải nhựa tại những cơ sở kinh doanh đồ ăn thức uống, trường học và khách sạn, sau đó biến chúng thành các sản phẩm tái chế.

Frantz cho biết: “Nhựa được chia thành 7 loại. Chúng tôi chủ yếu tập trung vào 4 loại. Có những loại nhựa có giá trị cao như PET (trong suốt, nhẹ, bền, chịu được nhiều loại hóa chất và có khả năng chống thấm khí tốt, thường được dùng làm chai nước, chai đồ uống có ga, hộp đựng thực phẩm, màng bọc thực phẩm…) và HDPE (có độ bền cao, cứng, chịu được nhiệt độ và hóa chất tốt, không thấm nước…, thường được dùng làm chai đựng sữa, dầu gội, dầu ăn, túi nhựa đựng thực phẩm, ống dẫn nước…). Bên cạnh đó, có những loại nhựa giá trị thấp như túi nhựa, túi zip, dây đai màng hoặc dây nilon buộc quanh thùng giấy. Hộp đựng đồ uống, ống hút, cốc nhựa dùng một lần là những loại nhựa khó tái chế”.

Một trong những khó khăn của Frantz khi gom rác là ý thức phân loại của người Việt Nam tương đối kém. Rác thải nhựa thường bị bỏ lẫn trong rác hữu cơ, rác sinh hoạt sau đó được đem đi chôn hoặc đốt. Quá trình thu gom sau đó rất vất vả, chưa kể sẽ mất rất nhiều công để làm sạch.

“Vì vậy, chúng tôi cố gắng tuyên truyền cho các nhà hàng, trường học và cộng đồng về cách giảm thiểu rác thải nhựa. Tôi mất khoảng một năm rưỡi để thuyết phục các chủ cửa hàng đồng ý giúp phân loại rác thải nhựa và làm sạch trước khi cho chúng vào thùng rác. Họ có thể mang đến cơ sở của chúng tôi, hoặc chúng tôi có thể đến tận nơi để thu gom nhằm đảm bảo rằng những loại rác thải này được tái chế”, Frantz nói.

Đây cũng chính là nguồn gốc của hình ảnh “người ngoại quốc lái xe gom rác ở Hội An”. Vì công ty mới còn thiếu nhân lực, đích thân giám đốc Frantz cũng tự mình lái xe đi xin rác. Nhìn cái xe Cup đời cũ kéo theo thùng đựng rác màu trắng với dòng chữ “Chúng tôi tái chế rác thải nhựa” luồn lách giữa những góc phố chật hẹp của Hội An nhiều người nghĩ Frantz có khi sinh ra đã sống ở đây rồi vì “tay lái lụa quá mức cho phép”.

Những tấm nhựa tái chế của Frantz đang dần trở thành vật liệu xây dựng được ưa chuộng ở Hội An

Để được người dân ủng hộ…

Frantz nói rằng thu gom nhựa không khó nhưng làm thế nào để mô hình kinh doanh trở nên bền vững mới khó.

Tính đến nay, “Not Just Plastic” của Frantz đã thu gom được khoảng hơn 10 tấn rác thải nhựa. Sau khi gom, nhựa sẽ được mang về xưởng để phân loại, làm sạch, nghiền nát và đóng gói thành từng bao riêng. Các bao này sau đó sẽ lên đường đến nhà máy sản xuất nhựa tái chế.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp Frantz thành công là tinh thần cộng đồng. Anh luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau. Nhờ vào sự kết nối chặt chẽ với cộng đồng địa phương, Frantz đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ người dân Hội An.

“Ban đầu, việc thuyết phục mọi người phân loại và làm sạch rác không dễ dàng. Khi tôi đề nghị việc này với một số chủ nhà hàng, họ trả lời rằng không có thời gian và họ bận lắm. Nhưng khi tôi nói rằng “bạn có thể dùng một cái cốc nhựa, một cái ống hút rồi vứt ngay, nhưng một số khách hàng của bạn đến từ châu Âu hoặc các quốc gia và vùng lãnh thổ khác rất có thể sẽ thắc mắc tại sao cửa hàng của bạn lại sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Nếu hợp tác với chúng tôi, bạn có thể đảm bảo với các khách hàng là tất cả các sản phẩm nhựa trong quán cà phê, nhà hàng hay khách sạn của bạn sẽ được mang đi tái chế. Điều này khá quan trọng với những khách hàng quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, nó quyết định việc họ có chọn sản phẩm của bạn hay không”. Từ đó, thái độ của mọi người dần dần dễ chịu hơn, và số đối tác đồng ý hợp tác với chúng tôi ngày một nhiều lên. Đó là tín hiệu tốt”, Frantz khoe.

“Việt Nam là một đất nước đông dân cư với khoảng 100 triệu dân. Nhưng chỉ cần bước ra khỏi nhà khoảng vài bước là dễ dàng gặp người quen. Đây là điều tôi thích ở Việt Nam. Mọi người luôn giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là ở Hội An. Hội An là một cộng đồng nhỏ thôi. Nhưng ngay cả ở Đà Nẵng cũng vậy. Mọi người rất cởi mở và luôn có tinh thần giúp đỡ nhau để cùng thành công”. Frantz Pedersen

Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại “Not Just Plastic” đã “bắt tay” được với hơn 100 “đối tác nhựa” bao gồm các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, quán cà phê, quán ăn, trường học, hộ dân… ở cả Đà Nẵng và Hội An. Những “đối tác” này cam kết sẽ cung cấp rác thải nhựa đã được làm sạch vào thời gian quy định cho cơ sở của Frantz.

Quà tặng của Adidas làm từ nhựa tái chế

“Nhìn những nụ cười của người cho rác, những thay đổi nhỏ của người trẻ khi chứng kiến hành động của chúng tôi, tôi biết ơn vì đã đến Việt Nam và làm việc ở đây, biết ơn vì đã và đang làm một công việc tạo nên sự khác biệt và truyền cảm hứng cho mọi người”, Frantz chia sẻ.

Thông tin thêm là trong hành trình của mình, Frantz đã có sáng kiến mang tên “Trả lại Việt Nam”. Với mỗi sản phẩm tái chế bán được, anh sẽ gửi lại một phần cho các trường học miền núi và các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam.

Sau mấy năm thực hiện, “Trả lại Việt Nam” đã góp phần xây dựng 12 hệ thống lọc nước và 1 dự án năng lượng mặt trời tại Lào Cai. Ước tính có khoảng 3.000 học sinh miền núi được cung cấp nước uống an toàn từ dự án này.

“Chúng tôi không chỉ bán một sản phẩm mà chúng tôi còn muốn kể câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm. Chúng tôi còn tính làm thế nào để kết hợp nhựa với các vật liệu khác nhằm tăng độ bền cho sản phẩm. Chẳng hạn như tấm nhựa dùng để lát sàn, chúng tôi dùng 35% rác thải nhựa, bao gồm HDPE và một ít nhựa PP (có thể gom từ ống hút, chai và nắp chai nước uống) trộn cùng với 50% chất thải gỗ. Chúng tôi sản xuất tấm lát sàn có thành phần là 85% vật liệu được tái chế. Sau đó, chúng tôi trộn thêm chất chống tia cực tím và xử lý chống trượt. Sản phẩm tấm lát sàn này rất phù hợp để sử dụng cho khách sạn. Chúng rất bền, không cần phải đánh bóng như sàn gỗ và cũng không sợ bị mối mọt làm hỏng. Ngoài ra, khi hết vòng đời sử dụng, sản phẩm này lại có thể tiếp tục được tái chế”, anh nói thêm.

Được biết, tấm nhựa từ rác tái chế này của Frantz hiện đã được một số khu nghỉ dưỡng ở Hội An, Đà Nẵng đưa vào sử dụng và bước đầu khẳng định ưu việt của nó khi so với đồ gỗ như: bền hơn, khả năng chống trơn trượt, mối mọt tốt, giá thành rẻ và quan trọng nhất là chúng ít gây ra gánh nặng ô nhiễm với môi trường.


Độc lạ ngôi nhà xây bằng hàng chục nghìn vỏ chai của ‘dị nhân’ Hội An - 08/09/2024


Thích thú du lịch 'miền Tây' giữa lòng Hội An - 03/09/2024