Tìm mọi cách tuyển dụng
Ngày 12/9, tại tọa đàm “Xu hướng và giải pháp cho thị trường tuyển dụng lao động số lượng lớn” do báo Người lao động tổ chức, bà Hoàng Thị Minh Ngọc - Giám đốc vận hành Chợ tốt kiêm Giám đốc Việc làm tốt cho biết, nhu cầu tuyển dụng trên nền tảng tìm việc của Việc làm tốt trong 8 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, có đến 85% doanh nghiệp đang gặp phải tình trạng thiếu lao động; 30% doanh nghiệp trong số đó đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng khi thiếu hơn một nửa so với nhu cầu thực tế.
Nhiều việc làm ở các tỉnh phía Nam chờ người lao động ứng tuyển
“Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn đang tồn tại bất cập. Theo số liệu của Cục Việc làm, có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động không có hoặc thiếu việc làm, không tham gia lao động, trong khi các doanh nghiệp vẫn tuyển không được người với hơn 836.000 việc làm lao động phổ thông cần tuyển” – bà Ngọc nói.
Ông Bùi Việt Nam, Giám đốc Truyền thông thương hiệu Tổng Công ty CP May Nhà Bè nói rằng, doanh nghiệp hiện có 35.000 lao động làm việc tại hơn 40 nhà máy ở Việt Nam. “Thời gian gần đây, nhu cầu tuyển dụng của May Nhà Bè tăng cao và gặp khó khăn trong quá trình tuyển dụng. Điều thấy rõ nhất là nhóm lao động trẻ không mặn mà với những công việc như sản xuất” – ông Nam nhìn nhận.
Theo ông Nam, trước đây, những doanh nghiệp thâm dụng lao động được xem là thế mạnh nhưng hiện nay không còn nữa. Để có được lao động, đơn vị này gần như làm tất cả những gì có thể, kể cả đến các trung tâm dịch vụ việc làm, tham gia ngày hội tuyển dụng, đăng tuyển trên các trang tuyển dụng uy tín... nhưng cũng không hiệu quả.
Doanh nghiệp tìm lao động
Bà Lê Thị Đoan Trinh, Phó Tổng giám đốc khối nhân lực Scommerce cho biết, tỷ lệ tuyển dụng lao động tại doanh nghiệp thông qua các trường đào tạo chỉ chiếm 1 - 2%. Thực tế, nhiều ngành nghề các cơ sở giáo dục đào tạo không kịp. Như ngành thương mại điện tử hiện nay rất ít trường đào tạo. Các ngành logistics, kho bãi… khó tuyển dụng. Ngành kinh tế chia sẻ… cũng thế. Không có đơn vị đào tạo nào cung ứng được nhân lực cho những ngành này. Đây là các ngành mới, công ty phải tự đào tạo.
Giữ lao động không chỉ bằng lương
Theo ông Đàm Trung Hiếu, Phó Trưởng Phòng Quản lý Lao động Ban Quản lý các Khu chế xuất – Khu công nghiệp TPHCM, hiện nay phần lớn doanh nghiệp đều quan tâm tổ chức đào tạo, huấn luyện người lao động khi vào làm việc để đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất - kinh doanh của đơn vị.
Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng lao động Việt Nam để bố trí, sử dụng vào các vị trí chức danh công việc quản lý như tổ trưởng, thuyền trưởng, quản đốc, trưởng phòng ban, giám đốc... được chủ doanh nghiệp đưa sang công ty mẹ ở nước ngoài để đào tạo ngắn hạn, dài hạn nhằm nâng cao trình độ, từng bước thay thế chuyên gia nước ngoài.
Ông Phạm Anh Thắng (đứng), Phó Chánh văn phòng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, Trưởng Văn phòng đại diện của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội tại TPHCM
Tổ chức đào tạo cho người lao động trước khi vào làm việc, trang bị kiến thức về pháp luật lao động và văn hoá ứng xử trong lao động, góp phần giúp người lao động nắm vững pháp luật lao động, có tác phong làm việc trong môi trường công nghiệp và hành xử theo các qui định của luật pháp Việt Nam.
Ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh văn phòng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, Trưởng Văn phòng đại diện của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội tại TPHCM cho biết, chúng ta phải nhìn nhận thực tế là tỷ lệ người lao động qua đào tạo hiện nay rất cao nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo mà có bằng cấp, chứng chỉ lại không cao. Một phần do doanh nghiệp tự đào tạo sau khi tuyển dụng song không có chức năng cấp bằng cấp, chứng chỉ cho người lao động đó. Bên cạnh đó, một số nghề, lao động đang thu hút lao động nhưng chưa được định danh như chạy xe công nghệ, giao hàng…
“Để đạt hiệu quả tuyển dụng, bên cạnh chính sách về tiền lương, doanh nghiệp phải có các phúc lợi như nhà ở, nhà trẻ, chăm sóc sức khỏe... Song song đó, người lao động phải được tôn trọng và có cơ hội phát triển” – ông Thắng cho biết.