Khi doanh nghiệp sẵn sàng để bước vào chuỗi cung ứng
Nhiều năm tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Công ty CP Tập đoàn Điện Quang không ngừng đầu tư quy mô lớn vào dây chuyền máy móc, nâng cấp thiết bị hiện đại nhằm mở ra cơ hội phát triển. Tập đoàn Điện Quang hiện đứng cả hai vai trò vừa là nhà mua hàng, vừa là đơn vị cung ứng.
Lãnh đạo Tập đoàn Điện Quang cho biết, để có được những đơn hàng, doanh nghiệp đã đầu tư rất mạnh cho dây chuyền sản xuất đồng bộ, hiện đại như nhà máy chip LED, nhà máy sản xuất bo mạch điện tử, sản xuất lắp ráp các sản phẩm OEM, ODM… Tính đến hiện tại, Tập đoàn Điện Quang đã chủ động trang bị các dây chuyền sản xuất chip led hiện đại với quy mô ước tính sản xuất hơn 150 triệu chip led/năm.
“Chúng tôi có các dây chuyền và thiết bị hiện đại đủ năng lực sản xuất chip led, bo mạch điện tử và các thiết bị điện, điện tử cho nhiều ngành nghề khác nhau như y tế, ô tô, ngành công nghệ thông tin và viễn thông… Điện Quang còn tham gia sản xuất các thiết bị điện tử có độ khó cao như máy tính bảng, laptop, máy tính… Điện Quang có đủ năng lực sản xuất các sản phẩm điện tử có độ khó cao. Chỉ cần bất kỳ một đối tác lớn đặt hàng, chúng tôi sẵn sàng nhận gia công sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế”, lãnh đạo Tập đoàn Điện Quang nói và cho biết, đây cũng là những hướng đi mới của doanh nghiệp trong việc chuẩn bị cho việc tham gia các chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.
Doanh nghiệp ngành điện trong nước đã sản xuất được những thiết bị đạt tiêu chuẩn và chất lượng của châu Âu (ảnh: U.P)
Đưa sản phẩm thiết bị điện trung thế mới nhất tham dự triển lãm VIETNAM ETE và ENERTEC EXPO vừa diễn ra tại TPHCM, ông Nguyễn Ngọc Thông, Tổng Giám đốc Công ty Điện Trường Giang cho biết, Trường Giang là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện trung thế và đã nghiên cứu và sản xuất được thiết bị đóng cắt trung thế với thiết kế.
“Đây là sản phẩm “made-in Việt Nam” và đạt được các tiêu chuẩn quốc tế, có thể cạnh tranh về chất lượng, kỹ thuật, nguyên liệu với các nước châu Âu. Các thiết bị này sẽ dùng trong các trạm biến thế hoặc các hệ thống điện cung cấp cho các dự án án lớn như như điện gió, điện mặt trời, thủy điện, nhiệt điện, các nhà máy năng lượng điện tái tạo cũng như các trạm biến thế của ngành điện”, ông Thông nói.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, Trường Giang cũng đang cung cấp máy móc cho một số ngành công nghiệp lớn như nhà máy thép, nhà máy xi-măng, nhà máy thủy điện, nhà máy năng lượng điện tái tạo và cũng có kế hoạch xuất khẩu ra nước ngoài. Kế hoạch trong tương lai của doanh nghiệp này là sẽ sản xuất các thiết bị điện trung thế. Sắp tới sẽ nghiên cứu sản xuất thiết bị khí tốt cho môi trường.
Theo các doanh nghiệp, lĩnh vực sản xuất các thiết bị điện trong nước hiện còn yếu, hầu hết các thiết bị và công nghệ đều nhập khẩu.
Thay đổi để hướng tới nền kinh tế mũi nhọn
Theo Tổng Giám đốc Công ty Điện Trường Giang Nguyễn Ngọc Thông, hiện nay hầu hết các thiết bị cho ngành điện đều phải nhập khẩu với chi phí rất cao. Hướng tới việc thay thế hàng nhập khẩu, tự chủ nguồn cung trong nước, Trường Giang đã đầu tư rất kỹ lưỡng và đến nay là một trong những công ty đầu tiên của Việt Nam có thể sản xuất được ngay trong nước đạt các tiêu chuẩn của châu Âu. Giá thành sẽ giảm hơn khá nhiều so với hàng nhập khẩu nhưng chất lượng không thua kém nước ngoài. Đây là ngành trọng điểm nhưng Việt Nam khó phát triển vì khi sản xuất ra thì chất lượng không bằng. Hơn nữa đây là thiết bị quan trọng nên các công ty ở Việt Nam rất lo lắng và không sử dụng sản phẩm trong nước. Đó là lý do hàng Việt Nam không phát triển được.
Theo ông Thông, lĩnh vực sản xuất các thiết bị điện trong nước hiện còn yếu, hầu hết các thiết bị và công nghệ đều nhập khẩu. Công nghệ của chúng ta chủ yếu mua của nước ngoài, trong đó phần lớn từ Trung Quốc. Cùng với đó, dù nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp ngành điện trong nước, nhiều chính sách này còn chưa đi vào thực tế.
“Việt Nam rất có khả năng sản xuất được các thiết bị hoàn toàn có khả năng cạnh tranh được với các nước, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, do còn nhiều “rào cản” từ tư duy, bên cạnh đó cần phải có thêm các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, phát huy hiệu quả từ các chính sách của Nhà nước, của địa phương…”, ông Thông cho biết.
Đại diện Tập đoàn Điện Quang nhìn nhận, ngành Điện - Điện tử được xem là kinh tế mũi nhọn, chi phối nhiều lĩnh vực khác như cơ khí, điện, nhựa và hóa chất,... và tác động mạnh mẽ đến sự phát triển bền vững của đất nước. Ở Việt Nam, ngành công nghiệp điện tử đã có lịch sử hơn 40 năm, song cho đến nay chỉ dừng lại ở mức độ khai thác dịch vụ, lắp ráp sản phẩm với các bảng mạch và linh kiện nhập khẩu. Sở dĩ, ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam phát triển chậm, chưa thể hiện được vai trò chủ lực trong sự phát triển kinh tế của đất nước là do thiếu sự đầu tư đúng mức vào việc nghiên cứu và phát triển các nền tảng công nghệ cốt lõi, đặc biệt là thiếu nhân lực có chuyên môn đảm nhiệm trong ngành này.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí – Điện TPHCM cho biết, mặc dù đã có những doanh nghiệp có đủ năng lực để bước vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng có tới 99% các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Quy mô sản xuất chỉ trên dưới 300 công nhân lao động. Dây chuyền sản xuất đa phần ở trình độ bán tự động.
Tại triển lãm VIETNAM ETE và ENERTEC EXPO diễn ra tại TPHCM từ ngày 17 – 19/7, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực điện, cơ khí điện, thiết bị điện công nghệ cao trong và ngoài nước đã tham gia quảng bá sản phẩm thu hút rất đông khách tham quan. Tại triển lãm còn có chương trình “Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp các nước tham gia triển lãm”, là cầu nối hiệu quả cho doanh nghiệp được gặp gỡ, tiếp xúc làm việc trực tiếp với các đối tác trong và ngoài nước, học hỏi từ các doanh nghiệp nước ngoài về trình độ quản lý, sản xuất; tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp tích cực đổi mới công nghệ… Từ đó mở rộng quy mô kinh doanh, tham gia hiệu quả hơn vào các chuỗi kết nối.